Để cây mai ra hoa đẹp vào dịp Tết, việc trồng và chăm sóc mai sau Tết là rất cần thiết, trước tiên cây mai phải tốt, sung mãn, lá to, cành nhánh xanh tươi. Do đó, người trồng mai cần áp dụng chế độ phân bón, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hợp lý. Hơn nữa, để chăm sóc mai thực sự hiệu quả như mong muốn, trong quá trình trồng và chăm sóc, người trồng mai cần phải tích lũy nhiều kinh nghiệm.
I. KIẾN THỨC CHUNG.
Ánh sáng cho cây mai vàng:
Mai vàng là loài cây ưa sáng nên thích hợp trồng ở những vị trí có ánh sáng trực tiếp nhiều từ 6h chiếu sáng trở lên.Trường hợp cây mai đã chưng trong nhà, trước tiên nên đặt cây mai đó nơi bóng râm để cây không bị cháy lá khi phải tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp.
Chế độ tưới nước cho cây mai vàng:
Cây mai ưa nước sạch, không chịu được nước chua phèn. Cây mai ưa ẩm vì vậy cần tưới nước hằng ngày trừ những ngày mưa to. Những ngày mưa lâm râm cũng cần tưới nước cho cây mai nếu không cây sẽ bị khô lá, lá bị vàng ở đầu ngọn và tuổi thọ của lá mai sẽ bị ngắn dần.
Việc này nếu xảy ra nhiều lần trong năm sẽ làm cây mai không giữ được lá đến 12 tháng để đợi chúng ta lặt lá và ra hoa tập trung. Cây mai sẽ ra hoa lác đác từ tháng 9 đến tháng 12 ÂL. Như vậy cây sẽ không nở hoa tập trung đúng tết và ít hoa.
Xem thêm hoa mai vàng có ý nghĩa gì trong ngày Tết Cổ truyền
Chăm sóc sau Tết:
Thông thường cây mai chưng Tết, nếu để trong nhà sẽ không quang hợp được ánh sáng mặt trời nên bộ lá non có màu xanh nhạt, mỏng yếu ớt, cành thường ốm, phát triển dài… Ngoài ra, trước tết các nhà vườn thường tập trung sử dụng chất kích thích ra hoa luôn làm xáo trộn đời sống sinh lý của cây mai. Nếu cây mai không được chăm sóc tốt, năm sau cây sẽ suy kiệt dần và không đạt chất lượng. Do đó, cây mai cần đem ra vườn để tiếp tục chăm sóc lại càng sớm càng tốt.
Lặt bỏ tất cả các hoa, trái: Sau tết, nên lặt bỏ hết hoa, trái để giúp cây tập trung dinh dưỡng, riêng những cây mai trồng ở đất hoặc cây chưng ngoài sân thì việc chăm sóc dễ dàng hơn do ít bị mất sức, nhưng vẫn phải tiến hành lặt hoa, trái bình thường nhưng không cần đem vào bóng râm.
Cắt tỉa sau Tết: Tỉa lại cành cho tán mai cân đối, cắt ngắn những cành vượt ở tán và cắt bỏ chồi vượt trong thân. Việc cắt tỉa sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt, thông thường là trước ngày 15 và chậm nhất là 25 tháng giêng ÂL nếu là năm bình thường. Nếu năm nhuần (13 tháng) có thể cắt tỉa chậm hơn bình thường, sẽ vào đầu tháng 2 ÂL, lặt những lá già chừa lại khoảng 1/3 ở phần đọt nhánh để cho mai có bộ lá mới chắc khỏe hơn.
Thay chậu thay đất: Có 2 thời điểm trong năm.
– Thay chậu sau Tết: Hiện nay đa số các nhà vườn thường sử dụng chất trồng gồm: cám xơ dừa + phân bò + tro trấu . . . Do chất trồng này thường mịn, sau một năm trồng dinh dưỡng đã hết, độ thông thoáng kém, thường làm bít lỗ thoát nước, nếu lâu ngày nước đọng ở đáy chậu kết hợp với phân bón sẽ tạo ra chất độc như “Methan” hay “Sulfur” sẽ làm thối rễ mai, cây phát triển kém, có thể làm chết cây, nên phải thay chậu sau tết nhằm để khắc phục những nhược điểm vừa nêu trên.
* Lưu ý: Sau Tết, thời điểm ở miền Nam thường rất nóng, nhiệt độ thường cao bất thường, sau khi thay chậu nên để cây nơi râm mát và tưới nhẹ giữ ẩm đến khi cây phục hồi bắt đầu ra đọt non, từ từ chuyển dần ra ánh sáng và chăm sóc bình thường.
– Thay chậu vào đầu mùa mưa: (khoảng giữa tháng 4 ÂL đến đầu tháng 5 ÂL). Trong thời gian này cây mai được chăm sóc sau Tết đã hoàn toàn phục hồi, các nhựa luyện trong thân tích lũy để chuẩn bị cho kỳ tăng trưởng mới, đây là thời điểm thuận lợi nhất trong năm để tiến hành thay chậu thay đất, hơn nữa thời điểm vào mùa mưa thường mát mẻ khi thay chậu, cây không bị ảnh hưởng do nắng nóng nên cây dễ phát triển và nhanh phục hồi.
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC.
Thay chậu, bón phân:
a) Kỹ thuật thay chậu và bón phân sau Tết (giữa tháng giêng đến cuối tháng 4 ÂL) theo các bước sau:
– Ngưng tưới nước khoảng 1 – 2 ngày, để đất trong chậu co lại nhằm dễ dàng lấy cây ra khỏi chậu.
– Dùng que nhọn soi bỏ bớt đất cũ chỉ để lại khoảng ½ đất là vừa, tránh làm đứt rễ non, rễ cám, cắt bỏ các rễ hư thối.
– Cho chất trồng mới vào chậu, nhớ dùng lưới ca rô chắn lỗ thoát nước, rắc phân hữu cơ vi sinh Rhizoplex 20g – 30g/gốc (tùy theo đường kính gốc từ 20cm – 50cm) + 100g – 300g phân gà Nhật Chicken Organic Fert NPK 4-3-2 + OM 68%-CaO 10%, sau đó đặt cây vào chậu đúng dáng thế giữa cây và chậu, tiếp tục cho chất trồng cách mặt chậu khoảng 3cm – 5cm, dùng tay ém nhẹ, tưới nước đến khi nước thoát ra lỗ ở đáy chậu. Giai đoạn này rất quan trọng, việc bón lót cho thời kỳ này (nhất là bón phân hữu cơ vi sinh Rhizoplex) cùng với việc thay đất trồng mới ngoài mục đích giúp cây mai phục hồi, phát triển bộ rễ khỏe mạnh, cành mới, lá mới còn tăng sức đề kháng chống chọi tốt với sâu bệnh trong đất và trên cành lá.
– Sau 45 ngày – 60 ngày, khi cây ra 2 – 3 đợt lá thì pha phân Poly Feed 19-19-19 + Me 50g/bình 8 lít phun đều trên hai mặt lá mỗi tháng 01 lần kết hợp với bón gốc 50g – 100g phân hữu cơ khoáng Singha Leo (hoặc 100g – 200g phân gà Chicken Organic Fert) cho một cây, bón mỗi tháng một lần xen kẻ với phun phân Poly Feed như trên.
– Đề phòng trừ sâu bệnh trong giai đoạn này, mỗi khi cây ra đọt non nên phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn phần III phía dưới.
b) Kỷ thuật thay chậu, bón phân đầu mùa mưa (giữa tháng 4 ÂL đến giữa tháng 9 ÂL):
Bắt đầu từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 ÂL là đến đầu mùa mưa, cây mai đã phát triển đầy đủ bộ lá, cành xanh tươi và đang trong tư thế ra nụ trên mỗi nhánh. Trước tiên, cần quan sát các đọt của cây mai hoàn toàn chuyển sang lá già, là tiến hành thay chậu thay đất. Nếu chỉ dùng phân hóa học không thôi thì giai đoạn này nên thay chậu và đất trồng mới vì cây đã hút hết các chất dinh dưỡng trong đất trong đó có các nguyên tố trung, vi lượng; nếu dùng phân hữu cơ thì không cần thay chậu và đất vào đầu mùa mưa. Ở giai đoạn này cây mai phát triển bộ rễ mạnh, lá to, thân cành mập mạp, khỏe để tích lũy năng lượng cho mùa hoa sắp đến nên cây có nhu cầu lân (P2O5) rất cao. Vì vậy nên bón các loại phân sau:
– Bới đất sâu khoảng 5cm – 10cm rồi rắc phân hữu cơ vi sinh Rhizoplex 20g – 30g/gốc (tùy theo đường kính gốc từ 20cm – 50cm), đồng thời bón thêm 100g – 300g phân gà Nhật Chicken Organic Fert (nếu không bón phân gà thì 20 ngày sau có thể thay phân gà bằng phân hữu cơ khoáng Singha Leobón gốc với liều lượng 50g – 100g/gốc mai). Phân gà hoặc phân hữu cơ khoáng Singha Leo mỗi tháng bón một lần.
– Song song với bón phân hữu cơ như trên, đến khoảng tháng 8 ÂL phun phân MAP (Mono Amonium Phosphate) NKP 12-61-0 liều lượng 50g/bình 8 lít + phân MKP (Mono Potassium Phosphate) NKP 0-52-34 liều lượng 60g/bình 8 lít nước, phun 02 lần cách nhau 15 ngày – 20 ngày để giúp cây phân hoá mầm hoa tốt (hoặc sử dụng phân NPK 19-31-17, NPK 10-55-10 hoặc phân DAP…). Để cải tạo đất bị nhiễm phèn, giài độc hữu cơ, giảm độ mặn cho đất; ngăn ngừa rụng hoa, giúp cứng cây, hạn chế đổ ngã, tăng cường sức chống chịu sâu bệnh hại nên bón thêm Calcium Nitrat Bo CNB 15-18-0,3 một lần với liều 50g/cây.
* Lưu ý: Nếu là năm nhuần, thời gian kéo dài đến 13 tháng, lá cây mai sẽ già sớm, tự rụng lá và ra hoa sớm trước Tết. Muốn tránh lá mai rụng sớm, các năm nhuần nên lặt bỏ hết lá trước một lần vào giữa năm, rồi bón thêm phân chứa nhiều đạm, cây mai sẽ ra lá mới vào mùa mưa, tươi tốt xum xuê, đến gần Tết, lá mai sẽ già cứ canh lặt lá mai như các năm bình thường, để kịp ra hoa đúng Tết.
– Thời tiết giai đoạn này sâu bệnh dễ phát triển, nhất là trên đọt non, lá non… nên cần theo dõi và phun thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh.
c) Bón phân cuối mùa mưa (từ tháng 9 âm lịch đến trước khi lặt lá):
Vào cuối mùa mưa, thời tiết thường biến động bất thường rất phức tạp, lúc này lá mai đã bắt đầu già, màu bớt xanh và dầy lên dần, không còn cho lá mới mà bắt đầu tập trung sức cho ra nụ ra hoa, cây mai cần nhiều lân và kali để kháng lại mọi bất lợi của thời tiết, kháng lại sâu bệnh, giúp hoa nở sáng đẹp, chống rụng hoa. Từ tháng 9 ÂL đến tháng 10 ÂL phun thêm một lần MAP + MKP theo liều lượng như trên; đến cuối tháng 10 ÂL, pha 40g – 80g/bình 8 lít phân KNO3 NKP 13-0-46 phun đều 2 mặt lá, phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 – 20 ngày nhằm làm dầy và không bị rụng lá. Đến đầu tháng 11 ÂL thì ngưng hẳn và chỉ tưới nước vừa đủ cho đến ngày lặt lá.
Cắt tỉa tạo dáng và quấn dây:
Việc cắt tỉa tạo dáng và quấn dây thường được tiến hành vào đầu tháng 6 ÂL, lúc này cây phát triển sung mãn, nảy nhiều cành nhánh đan chen lẫn nhau, tán lá thường dày và rậm rạp nên cần phải tỉa bỏ những cành nhánh không phù hợp giúp cây thông thoáng hạn chế nhiều sâu bệnh hại, khoảng 2 tháng tỉa một lần. Tỉa những cành vượt, những ngọn cành vươn quá dài. Tuyệt đối không cắt tỉa và quấn dây những cây bị suy yếu. Đến tháng 10 ÂL sau khi giai đoạn phát triển chấm dứt, dáng thế đã định hình xem như hoàn tất và bắt đầu tháo dây để cây đi vào dáng thế tự nhiên nhất.
* Lưu ý: Không quấn dây quá chặt, có thể dây cấn mạnh vào vỏ cây, trong quá trình phát triển sẽ làm tổn thương vỏ cây làm hạn chế sự phát triển và làm mất vẻ tự nhiên, hơn nữa làm cây bị suy yếu do việc lưu dẫn nhựa nuôi cây bị gián đoạn. Trái lại quấn dây lỏng và thưa, thường khi uốn nắn định hình nhánh sẽ dễ bị gãy.
Xem thêm các loại phân bón cho cây mai vàng
Lặt lá dưỡng hoa:
Đoán ngày lặt lá cho mai ra hoa đúng Tết Nguyên đán, đây là một việc làm đòi hỏi sự cảm nhận, kinh nghiệm của người trồng và chơi mai. Lặt lá mai phụ thuộc vào thời tiết (lập xuân), loại mai (5 cánh, 9 cánh hay 12 cánh…), cây mai khỏe hay yếu, tập tính của từng cây mai được trồng, chăm sóc của riêng từng gia đình, vị trí đặt riêng của mỗi nhà,…
Khoảng tháng 8 ÂL, lúc này cây mai chuẩn bị làm nụ bông tết, ta cần bón phân có nhiều lân cho cây mai như đã nói ở trên. Đến tháng 9 ÂL bắt đầu có gió chướng non, lúc này mai bị nở bông gió, nếu chăm sóc cây bình thường thì lượng bông chỉ nở một số ít không đáng kể.
Khoảng tháng 9 ÂL, trên các cành mai đã có sẵn những nụ hoa nhỏ bằng nửa hạt gạo ở mỗi nách lá. Mỗi nụ như vậy lớn dần lên thành một cái hoa to, thường gọi là hoa cái với lớp vỏ trấu bao kín bên ngoài. Trong hoa cái có nhiều nụ nhỏ. Tính từ ngày vỏ trấu của hoa mai bung ra cho đến lúc nở là 7 ngày. Như vậy, nếu thời tiết trong những ngày cuối năm ấm áp, mà vỏ trấu của hoa bung ra đúng ngày 23 tháng chạp, thì có hy vọng đúng đêm giao thừa hoa mai sẽ bắt đầu nở lác đác.
Để hoa nở đúng dịp Tết, người trồng mai phải tính toán kỹ việc lặt lá mai, về thời tiết, kích cỡ nụ hoa.
Từ ngày 10 tháng chạp ta nên chú ý những điều sau:
– Nếu dự báo trước nửa tháng cuối năm nắng sẽ tốt, khi trời ấm áp thì chắc chắn hoa mai sẽ nở sớm. Người trồng mai nên lặt lá muộn.
– Nếu dự báo trước nửa tháng cuối năm sẽ có mưa to hay khí trời chuyển lạnh thì năm đó mai sẽ nở hoa trễ. Người trồng hoa mai cần lặt lá sớm.
– Nếu nụ hoa còn nhỏ như hạt gạo trở lại, với mai vàng 5 cánh, phải kích nụ mai vàng bằng cách lặt lá vào ngày 13 tháng chạp.
– Nếu nụ hoa lớn hẳn cở như hạt nếp Bắc, với mai vàng 5 cánh, phải lặt lá vào ngày rằm hoặc sang ngày 16 tháng chạp.
– Nếu nụ hoa đã lớn hơn hạt nếp Bắc, độ 3-4 ngày nữa sẽ bung vỏ lụa nên lùi ngày lặt lá đến 18, 19 hoặc 20 tháng chạp.
Như vậy, từ ngày 10 tháng chạp chúng ta nên quan sát nụ hoa từng cây mai lớn nhỏ ra sao rồi kết hợp với thời tiết để tính toán ngày nào tiến hành lặt lá mai. Việc tính toán sao cho đúng đến ngày “đưa ông Táo về trời” (ngày 23 tháng chạp), hoa cái bung vỏ trấu là được.
Với loại hoa mai nhiều cánh, sau khi tính toán kỹ theo cách trên, ta nên lặt lá trước thời hạn hoa 5 cánh khoảng 5 ngày đến 7 ngày (tùy cheo số lượng cánh từ 9 cánh trở lên). Cũng nên lưu ý là sau ngày lặt lá mai, ta nên theo dõi sự biến động của thời tiết bên ngoài ra sao: Nếu thấy khả năng mai nở trễ thì chúng ta nên thúc mai bằng cách pha loãng phân KNO3 (40g/bình 8 lít nước) tưới hoặc phun cho cây, sau đó đem phơi nắng 2 ngày không tưới nước, chỉ nên phun nước sương 3 – 4 lần. Đến ngày thứ ba tưới nước cho ướt đẫm cây 1 lần, sau đó tiếp tục phun sương ngày 3 – 4 lần, đến ngày 23 tháng chạp mà vỏ trấu bung ra hết là mai sẽ trổ hoa đúng tết.
Ngược lại, trời đang nắng hạn mà đổ mưa rào thì hoa mai sẽ nở sớm, thì hạn chế số lần tưới nước trong ngày, chỉ tưới vào cữ trưa với lượng vừa phải. Đồng thời, gặp nắng trở lại ta nên đem mai ra phơi nắng để hãm chúng không nở sớm.
III. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH:
Phòng trừ sâu bệnh hại luôn gắn liền với việc chăm sóc. Sau đây là những loại sâu, bệnh thường gặp trên cây mai.
Các loại sâu hại:
– Để phòng trừ: rầy, sâu ăn lá, rệp sáp, bọ trĩ…sử dụng thuốc trừ sâu Chim ưng 20WG, Abamec 100EC hoặc Binh58 40EC .
Các loại bệnh hại:
Để phòng trừ các bệnh do nấm gây ra , sử dụng thuốc Anlien Annong 800WG để trừ bệnh thối gốc và Siuvin 350SC, Fudazol 50WP để trừ bệnh đốm lá, cháy lá, mốc cam …