Ý nghĩa hoa Mai Vàng, cách trồng và chăm sóc hoa nở đẹp vào dịp tết
Hoa Mai vàng là loài hoa cực kỳ phổ biến mỗi dịp Tết đến, xuân về. Không chỉ có những đặc điểm nổi bật, hoa Mai vàng còn có nhiều giá trị ý nghĩa khiến loài hoa này không thể thiếu trong những dịp lễ đặc biệt. Cùng tìm hiểu về ý nghĩa hoa mai vàng dưới đây nhé
Thông tin, đặc điểm về hoa Mai vàng
Cây hoa Mai vàng có tên khoa học là Ochna integerrima, thuộc họ Ochnaceae. Ở nước ta, đây là loài hoa chuyên sinh trưởng ở vùng nhiệt đới, trải dài từ các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa đến đồng bằng Sông Cửu Long. Bạn có thể bắt gặp hoa Mai vàng tại vùng núi, cao nguyên, tuy nhiên số lượng không quá nhiều.
Hình ảnh của hoa Mai vàng
Cây Mai vàng là cây thân gỗ, sống lâu năm, bộ rễ to và rất bám đất. Cành và lá của cây rất nhiều, thân hình hơi xấu xí nhưng hoa lại rất đẹp, lâu tàn và thường nở nhiều vào mùa Xuân. Nếu được chăm sóc tốt, cây hoa Mai có thể mọc chắc khỏe và cao đến 20 mét. Hoa Mai vàng là loài hoa lưỡng tính, thường mọc thành chùm, khi hoa tàn sẽ mọc ra quả.
Ý nghĩa hoa Mai vàng ngày Tết
Bạn đã bao giờ tự hỏi, vì sao cứ vào dịp Tết là người miền Nam hay chọn cây hoa Mai vàng để trồng trưng bày trong nhà chứ không phải là cây nào khác hay không? Đó là bởi màu vàng của hoa Mai tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Do đó gia chủ trồng cây hoa Mai vàng trong nhà với mong muốn một năm mới phát đạt, tiền tài dồi dào và gặp nhiều may mắn, đại cát đại lợi.
Ngoài ra cây hoa Mai vàng còn mang ý nghĩa tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ, vươn lên dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu, nhất định sau này sẽ gặt hái được thành quả và đạt được thành tựu to lớn. Vậy nên trải dài suốt hàng ngàn năm lịch sử, cây mai Vàng nghiễm nhiên trở thành một trong những cây tứ quý hàng đầu: “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”, và được phác họa trong nhiều bức tranh, tác phẩm nghệ thuật.
Các loại hoa Mai vàng phổ biến hiện nay ở Việt Nam
Thế giới hiện nay có khoảng hơn 30 loài mai Vàng khác nhau, trong đó ở nước ta con số được phát hiện đã chiếm khoảng 2/3, điều này cho thấy rằng điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam hoàn toàn phù hợp để cây Mai có thể phát triển tốt. Sau đây là một số loài mai Vàng phổ biến và đẹp nhất:
1. Cây Mai núi
Là loại hoa Mai rừng có số lượng cánh hoa nhiều từ 10 đến 18 cánh trở lên. Loài cây này chỉ mọc trên núi và sống nhờ sương, hơi nước bốc lên hoặc ngưng đọng trên các vách đá.
2. Cây Mai trâu (châu)
Hoa Mai vàng của loài cây này có kích thước khá lớn, phần cánh hoa to và rộng với đường kính từ 5cm trở lên. Cái tên “trâu” cũng từ kích cỡ to bất thường của loài Mai này mà ra.
3. Cây Mai Hoàng Yến
Hay còn được gọi là cây Mai Liễu, hoa Mai vàng có 5 cánh mọc đều nhau, tuy nhiên cành lá khá mềm mại và hơi rủ xuống giống như cây Liễu.
4. Cây Mai chủy
Là loài Mai rừng có phần thân cây khá to, hoa mọc thành chùm và có kích thước lớn, lá cây có dạng răng cưa.
5. Cây Mai sẻ
Là loài hoa Mai vàng chuyên mọc và sinh trưởng ở những vùng cát trắng ven biển. Loài cây này khá nhỏ bé và ra hoa ít cho nên thường được mua về để làm cây cảnh để bàn. Mai động mọc rải rác tại các vùng biển ở Quảng Trị hoặc tại vùng Đồng Nai, Tây Ninh.
6. Cây Mai Tỳ Bà
Là loài hoa Mai vàng đặc biệt chuyên sống ký sinh nhờ trên những thân cây to lớn khác. Chúng sống bằng việc hút dinh dưỡng từ cây đang bám vào và một phần từ đất. Hoa của cây mọc thành chùm nên chúng thường được gọi là Mai chùm gửi, Mai vương.
7. Cây Mai Tứ Quý
Là loài hoa Mai vàng nổi tiếng nhất của vùng Đông Nam Bộ. Hoa trổ bông quanh năm cho nên được gọi là “tứ quý”. Ngoài ra cây hoa còn xuất hiện nhiều quả nhỏ như hạt đậu. Mai Tứ Quý có thân cây cao to, vỏ sần sùi và sống lâu năm.
8. Cây Mai cánh tròn
Hay còn biết đến là cây Mai Madagascar, loài hoa Mai vàng này có phần cánh hoa vô cùng tròn trịa, mọc dài và hơi rủ xuống. Nhiều người vẫn thích loài cây này để trưng bày trong dịp Tết.
9. Cây Mai cánh nhọn
Là loài hoa Mai vàng có phần cánh hoa mọc dài và nhọn, hoa nở bung như hình ngôi sao. Tuy nhiên loại cây này ít được ưa chuộng để trồng vào dịp Tết.
10. Cây Mai Yên Tử
Đây là loài Mai vàng sinh sống tại vùng núi Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh, có khả năng chịu lạnh mà ít giống hoa Mai vàng nào khác có được. Tương truyền đây là cây Mai do đích thân Thượng hoàng Trần Nhân Tông trồng khi mới đến Yên Tử để tu hành.
11. Cây Mai Vĩnh Hảo
Là loài Mai mọc ở vùng núi Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận. Cây có cành cứng nhưng khá giòn và dễ gãy. Phần cánh hoa to, có từ 12 đến 15 cánh trở lên, hoa nở đẹp và lâu tàn.
12. Cây Mai giảo
Là loài Mai được tạo nên bởi nhiều loại Mai khác nhau với gốc của Mai vàng làm chính, sau đó ghép thêm các nhánh cây của các loại Mai khác vào. Do đó đây là loài Mai vàng nhân tạo mà bạn có thể sử dụng để trang trí vào dịp lễ Tết.
13. Cây Mai hương (Mai thơm)
Thuộc loài hoa Mai vàng 5 cánh, thế nhưng hoa của loài cây này lại tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng phảng phất vô cùng độc đáo. Hoa Mai hương rất lâu tàn, lại rất sai bông cho nên được nhiều người ưa chuộng mang về trồng.
14. Cây Mai Cà Ná
Là loài Mai rừng chỉ mọc tại khu rừng Cà Ná, Bình Châu. Cây có thân vô cùng khẳng khiu, èo uột, cành lá rất giòn trông vô cùng yếu ớt so với nhiều giống Mai rừng khác. Hoa của chúng cũng không có gì đặc biệt nên không được nhiều người trồng vào dịp lễ Tết.
Xem thêm mai vàng trồng bao lâu ra hoa và cách trồng mai vàng
Cách chăm sóc hoa Mai vàng giúp nở đẹp vào dịp Tết
Vào dịp Tết, người ta thường lựa chọn hoa Mai vàng để trồng trong nhà với mong muốn tài lộc, phú quý cho năm mới. Do đó mà ngày nay đã sản sinh ra nhiều kỹ thuật trồng Mai khác nhau giúp tạo ra những giống Mai mới và độc đáo. Để có thể chăm sóc hoa Mai vàng tốt nhất giúp hoa nở hoa đẹp vào đúng dịp Tết, bạn hãy chú ý đến một số yếu tố như sau:
1. Thời điểm trồng Mai
Để có thể khiến hoa Mai vàng nở đúng vào dịp Tết, bạn cần trồng cây vào thời điểm tháng 10 âm lịch của năm trước. Trồng vào khi đó sẽ đảm bảo cây có đủ thời gian để đâm chồi và phát triển.
2. Điều kiện ánh sáng
Hoa Mai vàng rất ưa ánh sáng, do đó bạn cần đặt cây tại những nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu đến và đảm bảo cho cây tắm nắng từ 6-8 tiếng mỗi ngày.
3. Điều kiện nhiệt độ
Cây Mai vàng chỉ thích hợp để trồng ở nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C. Nếu như nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cây khó ra hoa, nhiệt độ quá cao sẽ làm hoa mau tàn và không giữ được lâu.
4. Điều kiện đất trồng
Hoa Mai vàng không hề kén đất trồng, chúng có thể thích nghi tốt trên các loại đất như đất cát, đất sét pha, đất mùn, đất bazan,… Tuy nhiên đất trồng cần phải đảm bảo độ tơi xốp, khả năng thông thoáng và thoát nước tốt cho rễ cây.
Thường xuyên chăm sóc Mai giúp hoa nở đẹp
5. Mật độ trồng Mai
Nếu bạn trồng hoa Mai vàng trên các luống đất thì có thể lựa chọn việc gieo hạt giống. Cứ mỗi mét vuông đất gieo được khoảng 100 hạt, cây có thể đạt tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Còn nếu bạn trồng cây ở trong chậu để làm cảnh, hãy đảm bảo khoảng cách giữa các chậu để cây Mai vàng có thể tiếp nhận đủ ánh sáng. Tốt nhất nên duy trì khoảng 4-5 chậu Mai nhỏ hoặc 1-2 chậu Mai to cho mỗi mét vuông đất.
6. Bón phân
Sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây Mai vàng. Tùy theo kích cỡ của cây mà có thể bón từ 20g đến 80g phân/chậu cho mỗi lần bón. Khi bón, bạn cần đào rãnh xung quanh thành chậu sâu khoảng 5cm rồi mới đổ phân vào bón. Ngoài bón phân hữu cơ, nếu có điều kiện thì bạn nên bổ sung thêm phân hoại mục để tăng thêm dinh dưỡng cho cây.
Tìm hiểu thêm về quy trình, kĩ thuật chăm sóc và loại phân bón mai vàng
7. Cắt tỉa cành
Hoa Mai vàng phát triển khá nhanh, do đó bạn cần cắt tỉa cành ít nhất 2 tháng/lần để đảm bảo cây sinh trưởng tốt và mọc theo đúng ý của bạn. Nên lựa chọn cắt tỉa những cành mọc quá nhanh và dài để ánh sáng có thể chiếu đến những cành hoa khác.
8. Phòng sâu bệnh
Hoa Mai vàng chủ yếu dễ bị sâu, bọ, rệp, nhện đỏ tấn công. Khi này bạn hãy sử dụng thuốc Danitol, Confidor hoặc Supracide,… để tiêu diệt bớt côn trùng gây hại và ngăn chúng bám lên thân cây. Duy trì phun đều đặn cách nhau 3-5 ngày mỗi lần cho đến khi hết sâu bệnh.